Năm 2018, là năm đáng nhớ của Ngành Xây dựng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Xây dựng cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực chào mừng 60 năm Ngày thành lập (29/4/1958 – 29/4/2018), như: tổ chức Đại hội Công đoàn ngành Xây dựng khóa XII; các phong trào thi đua lao động, sản xuất; tổ chức các cuộc hội thao, văn hóa, văn nghệ; các hoạt động từ thiện xã hội... Đến thời điểm hiện nay, cả nước đã bước vào quý IV/2018. Bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước bừng sáng với những dấu mốc quan trọng, các chỉ tiêu cơ bản vượt mức đề ra. Những thành quả ấy, luôn có đóng góp quan trọng của ngành Xây dựng mà các doanh nhân ngành Xây dựng đóng vai trò là hạt nhân- những chiến sĩ xung kích, tiên phong trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phụ vụ phát triển kinh tế.Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chúng tôi xin điểm lại lịch sử và những mốc son của ngành Xây dựng nói chung, các doanh nhân, doanh nghiệp ngành Xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.
1. Dấu ấn lịch sử của ngành Xây dựng Việt Nam
Xây dựng là một hoạt động vật chất gắn liền với sự hình thành cộng đồng và xã hội; đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đương đại, đồng thời cũng là những di sản của lịch sử.Từ ngàn xưa, để tạo lập môi trường sống giữa vùng thiên nhiên nhiệt đới phức tạp, những người thợ xây dựng đầu tiên của Việt Nam đã dựng nên nếp nhà cổ truyền của dân tộc. Để ứng phó với thiên tai lũ lụt, cha ông ta đã xây dựng những công trình trị thủy, hệ thống đê điều trải dọc tất cả những con sông lớn ở khắp trong cả nước với khối lượng xây dựng khổng lồ. Có thể coi đó là công trình xây dựng vĩ đại nhất của người Việt Nam. Để đối phó với giặc ngoại xâm, đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước, tổ tiên chúng ta đã xây dựng những công trình quân sự, đào hào, đắp lũy mà đến nay chúng ta vẫn tự hào nhắc đến những cái tên như Cổ Loa, Đại La,…
Công trình trên Sông Hồng
Thành nhà Hồ - Di tích lịch sử
Những kiến trúc sư tài giỏi cùng những người thợ đạt tới trình độ nghệ nhân đã xây dựng trên đất nước Việt Nam tươi đẹp nhiều công trình kiến trúc có giá trị như Hoàng thành Thăng Long, đặc biệt là quần thể kiến trúc cố đô Huế đã trở thành di sản văn hoá của nhân loại. Đó là những di sản quý báu mà cha ông để lại cho chúng ta.
Di tích Hoàng Thành Thăng Long
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời.Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng.Ngày 29-4-1958, Nghị quyết của kì họp thứ VIII Quốc hội khoá I đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc - nay là Bộ Xây dựng. Từ đó đến nay, ngày 29-4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam.
2. Vượt qua thử thách, không ngừng vươn lên gặt hái thành quả
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngành Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu góp phần vào những thắng lợi to lớn của cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Những thành tựu trong 60 năm qua của ngành Xây dựng gắn liền với những sự kiện trong lịch sử giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước ta.
Đặc biệt, sau 30 năm đổi mới, ngành Xây dựng Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.Ngành Xây dựng đã tạo được thế và lực để bước vào thời kì thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.Nhiều cơ chế chính sách được trong giai đoạn này đã tạo nên khung pháp lí khá đồng bộ.Việc triển khai mạnh mẽ công tác quy hoạch, chiến lược, định hướng phát triển đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lí ngành.Lực lượng sản xuất đã được sắp xếp lại. Các tổng công ty, công ty mạnh của nhà nước đã được thành lập và củng cố, cùng với sự ra đời và phát triển lớn mạnh của hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành xây dựng hiện đang tiếp tục đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuộc ngành, chuẩn bị những tiền đề tiến tới hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ở giai đoạn sau.
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng có tốc độ phát triển cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của công nghiệp trong cả nước (khoảng 15-20%). Đặc biệt là chất lượng sản phẩm VLXD đã tương đương các sản phẩm của khu vực. Một số sản phẩm có thể thay thế, cạnh tranh với hàng ngoại nhập, bước đầu được xuất khẩu sang các nước trong khu vực, các nước Châu Âu và Trung Đông.
Nhà máy sản xuất Gạch-Ngói không nung Công ty CP Thành Chí
Nhà Kho của Công ty CP Thành Chí tại khu công nghiệp Phú Mỹ
Trong lĩnh vực xây dựng, việc đổi mới cơ chế quản lí đầu tư và xây dựng theo hướng phân định rõ quản lí nhà nước và quản lí sản xuất kinh doanh, tăng tính chủ động sáng tạo của các thành phần kinh tế trong xây dựng, cạnh tranh để thúc đẩy phát triển và đổi mới công nghệ.
Lĩnh vực xây lắp có tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, các công trình lớn về hạ tầng, công nghiệp, dân dụng đã được tập trung xây dựng với tốc độ thi công nhanh, hiệu quả, chất lượng các công trình điện lớn như Yaly, Sông Hinh, Phú Mỹ, Phả Lại 2; đường Trường Sơn Bắc – Nam, các tuyến đường cao tốc trên cả nước, toà nhà Quốc hội...
Toà nhà Quốc Hội
Hiện nay, trong toàn quốc, có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong ngành Xây dựng, thu hút hàng vạn kiến trúc sư, kĩ sư, chuyên gia các chuyên ngành, các nhà khoa học, cán bộ quản lí của Ngành. Đội ngũ lớn mạnh nhanh chóng, đã đảm nhận được nhiều việc mà trước đây đòi hỏi phải thuê chuyên gia nước ngoài. Công tác quản lí và phát triển đô thị đã tập trung xây dựng và triển khai các định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, định hướng phát triển cấp nước đô thị, định hướng thoát nước đô thị Việt Nam đến năm2025, tầm nhìn đến năm 2050.Lĩnh vực cấp, thoát nước về cơ bản cũng đã phục vụ khá tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất – kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Lĩnh vực phát triển nhà, đã chấm dứt chế độ bao cấp về nhà ở, giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các cán bộ lão thành cách mạng... Quy định về giao dịch dân sự trong lĩnh vực nhà ở phù hợp với Luật Dân sự, xây dựng chính sách đầu tư phát triển nhà cho người có thu nhập thấp, đẩy mạnh cơ chế phát triển nhà ở theo dự án nhằm huy động mọi nguồn lực vào phát triển nhà và hạn chế việc xây dựng tự phát, lấn chiếm đất công,… Những thành quả quan trọng trong suốt quá trình này không thể không kể đến vai trò và sự tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả của đội ngũ doanh nhân ngành Xây dựng. Họ chính là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận xây dựng và kiến thiết đất nước, thường xuyên phải đối mặt với nắng, gió công trường, bão táp của thị trường và áp lực về ứng dụng đổi mới công nghệ.
3. Ngành Xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu tiến lên hiện đại
Với đội ngũ cán bộ, công chức quản lý ngành xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư tư vấn, thiết kế, giám sát và đội ngũ quản lý, công nhân lao động có trình độ, cùng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng và mạng lưới phân phối rộng khắp, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được quy hoạch, đầu tư cải tạo và xây dựng tương đối đồng bộ.
Hạ tầng Cảng Quốc Tế Thị Vải do Công UDEC thi công
Hàng loạt các công trình công nghiệp, cảng biển quy mô, hiện đại tầm cỡ quốc gia, các công trình sản xuất – kinh doanh ở trong và ngoài các khu công nghiệp cùng với các dự án du lịch dọc theo tuyến ven biển và các công trình phục vụ lợi ích công cộng được thiết kế, xây dựng đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Diện mạo kiến trúc đô thị và nông thôn của tỉnh thời gian qua cũng có nhiều đổi mới, khang trang, hiện đại và tương đối hài hoà. Các công trình ấy đã không chỉ tạo nên không gian phát triển kinh tế kinh tế - xã hội tương đối toàn diện, khai thác được thế mạnh vị trí địa lý kinh tế của một trong tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên vốn có của của mảnh đất Bà Rịa –Vũng Tàu trù phú, giàu truyền thống Cách mạng. Ngành Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ tích cực tham gia xây dựng tỉnh nhà mà hiện đã vươn ra các tỉnh, thành thuộc các vùng miền khác nhau trong cả nước.Tất cả những điều kể trên không phải ngành Xây dựng của địa phương nào cũng có được và chắc chắn không phải ngành Xây dựng của tỉnh nào cũng có khả năng làm được.
Công ty UDEC đang triển khai thi công Cảng Vĩnh Tân tại tỉnh Bình Thuận
Công ty UDEC đang triển khai thi công đường Cao tốc Lộ Tẻ -Rạch Sỏi tại Cần Thơ
Các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, phục vụ tích cực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua luôn gắn liền với sự đóng góp hết sức to lớn của ngành xây dựng mà không thể không nói đến công sức đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp trong ngành.
Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải do Công ty UDEC thi công
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và thế giới.Có thể nói, chưa bao giờ Tổ quốc ta, Dân tộc ta đứng trước vận hội lớn để phát triển đất nước như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ chúng ta đứng trước thách thức gay gắt chưa có tiền lệ trong tiến trình tăng tốc của lịch sử Dân tộc. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải đi trước một bước và cũng như những ngành khác, Ngành Xây dựng chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội đan xen với thách thức lớn.Vượt qua mọi thách thức, khai thác tốt các cơ hội phát triển chính là sứ mệnh quan trọng, trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của đội ngũ doanh nhân ngành Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trung tâm hành chính - chính trị Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Trụ sở UBND-HĐND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do UDEC thi công
Trên địa bàn tỉnh, những tổ hợp lọc hóa dầu, luyện cán thép, các dự án du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới, những khu đô thị mới và nhiều dự án khác sẽ triển khai ngay trong thời gian tới trên địa bàn Tỉnh. Có thể nói một khối lượng công việc đồ sộ đang đặt trên vai ngành xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khu du lịch Ocennami
Trong đó, Công ty UDEC thi công xây dựng 59 căn biệt thự
Với truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo trong lao động sản xuất – kinh doanh, Ngành Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chắc chắn sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, dành được những thành quả quan trọng, đóng góp to lớn cho hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2018, điểm lại những dấu mốc son của ngành Xây dựng đất nước nói chung và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng để qua đó nêu bật vai trò và những đóng góp quan trọng của các cơ quan, tổ chức ngành Xây dựng. Đồng thời, chúng ta ghi nhận và trân trọng cảm ơn những cống hiến, đóng góp hết sức quý báu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân và người lao động và đặc biệt là tôn vinh những đóng góp to lớn, cống hiến quan trọng của đội ngũ doanh nhân ngành Xây dựng Đất nước và tỉnh nhà.
VP